Thứ Bảy, 15 tháng 3, 2014

NHỚ VỀ THẦY HIỆU TRƯỞNG



                                                                                                     Irene.

  Cho đến bây giờ, sau bao năm tháng đã trôi qua, mỗi khi bồi hồi nhớ lại khoảng thời gian đèn sách là tôi lại thấy dấy lên trong lòng một nỗi êm đềm như một bức tranh đẹp với vô số sắc màu tươi sáng hài hòa kèm theo những giai điệu dịu dàng .
Trong đó khoảng thời gian học Sư Phạm là khoảng thời gian khắc ghi trong tôi dấu ấn sâu đậm nhất. Tôi không thể nào quên được những người thầy, người cô lần lượt đi qua, đi qua để lại trong tôi những mảng kiến thức bổ ích và hữu dụng. Nó như những đóa hoa tươi tắn khoe sắc trong vườn hoa tri thức của tôi. Để rồi tôi ôm ấp, mang nó theo bên người áp dụng suốt cuộc đời này.
Ngôi trường đẹp. Không gian yên bình. Không khí mô phạm. Các thầy giáo, cô giáo hiền hòa đức độ bên cạnh một thầy Hiệu trưởng chuẩn mực, đầy tâm huyết.
Mùa thu năm 1972, khi mới bỡ ngỡ bước chân vào trường Sư phạm, tôi đã gặp và nghe thầy Hiệu trưởng ân cần nói với khóa chúng tôi trong ngày khai trường:
…Mỗi công dân, tùy theo cương vị của mình đều có bổn phận góp phần vào việc kiến quốc đó. Một trong những nhiệm vụ khiêm tốn nhưng lại rất thiết yếu cho sự tồn hưng của bất cứ cộng đồng quốc gia nào là việc khai hóa dân tâm, dân trí, là nghề dạy học mà Anh Chị Em đang chuẩn bị hành trang để bước vào…
Vào những khóa tôi theo học, có nhiều giáo sinh vì hoàn cảnh bắt buộc phải thi vào sư phạm. Biết được vậy, thầy đã nhắn nhủ rất chân tình.
…Khi đã vào trường Sư Phạm là các anh chị phải xác định là nghề mình chọn. Khi đã chọn thì phải cố gắng theo nghề còn nếu không thích thì ngay bây giờ có thể dừng lại cũng còn kịp. Chứ đừng mang những điều bực bội ở đâu đó vào trường này…
 Sau đó thỉnh thoảng tôi gặp lại thầy trong sân trường. Thầy Hiệu Trưởng Trần văn Mẫn với khuôn mặt nghiêm nghị nhưng vui tươi, ánh mắt hiền từ thân thiện, giọng nói trầm ấm…Tuy tôi không được học thầy nhưng niềm kính trọng đã có trong tôi từ trước khi tôi chưa bước chân vào trường. Qua những câu chuyện kể của các chị tôi học ở những khóa trước. Và cũng trong những câu chuyện đó tôi được biết nhiều về thầy với niềm kính trọng vô cùng.
Theo lời chị tôi nói thì sau chuyến tu nghiệp ở Hoa Kỳ về, thầy Mẫn được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng trường Sư phạm vào niên khóa 1967-1968 cùng thời điểm với khóa 6, khóa 7. Trước đó thầy đã làm giám học của trường Sư phạm.
Những câu chuyện về thầy Hiệu trưởng thì  nhiều nhưng một vài câu chuyện đã ghi dấu trong tôi cho đến tận bây giờ.
Thầy kể cho các giáo sinh trong những giờ dạy:
“…Vào những chiều thứ bảy hay chủ nhật tôi thường lái xe đi Lễ. Trên đường về, gặp các cô giáo sinh đi phố hay chợ về. Các cô tay xách, tay mang đồ đạc lỉnh kỉnh rất nặng. Tôi thường dừng xe lại để chở dùm…có cô đi nhưng phần nhiều là các cô ngại nên từ chối…Theo tôi các cô không việc gì phải e  ngại vì chuyện giúp nhau là chuyện bình thường cần phải có trong cuộc sống này…”
“…Trường mình trồng rất nhiều hoa sứ. Các chị  nhất là các chị ở nội trú cứ đồn nhau rằng mấy cây sứ đó có “ma” nên ai cũng sợ... Nhiều hôm tôi rời phòng họp về nhà vào khoảng một, hai giờ khuya. Khi đi ngang qua vườn sứ, tôi cố gắng nhìn thật kỹ nhưng có thấy gì đâu? Cho nên không có ma đâu các chị  đừng sợ…”
Mỗi lần có dịp vào thăm hai khu nội trú nam và nữ, thầy Hiệu Trưởng luôn khuyên :
…các anh chị nên cố gắng rèn luyện kiến thức, cần phải học thêm nữa. Kiến thức không bao giờ thừa lúc nào cũng rất cần cho mỗi chúng ta sau này khi ra xã hội…
Thầy thường nói với các nam giáo sinh:
…Người ta thường nói rằng: Nam mà vào sư phạm thì “yếu”. Chúng ta chấp nhận cho các chị giáo sinh vì họ là phái yếu. Các chị thường mơ mộng yếu mềm vì các chị có người yêu ở xa, nên trong những đêm mưa, một mình trong nội trú thao thức nhớ đến người yêu giờ này đang đóng quân ở một tiền đồn heo hút nào đó? Nhưng các anh nam thì không thể có những tư tưởng yếu đuối, không được ủy mị mà phải có ý chí, mạnh mẽ lên!...
Thầy Hiệu trưởng rất yêu thích văn nghệ, nhất là những bản nhạc về dân ca, những bản nhạc tiền chiến hay những bản nhạc ca tụng quê hương đất nước. Trong đó đặc biệt thầy thích nhất là bài hát Nắng Chiều của Lê Trọng Nguyễn. Vì biết thầy thích nên cứ vào mỗi đêm thi văn nghệ của trường Sư phạm, ban nhạc thường đánh lên giai điệu của bản nhạc này để dạo nhạc mở đầu cho buổi biễu diễn.
 Bài hát viết theo điệu Rumba, giai điệu rộn rã phối hợp giữa ngũ cung và thất cung nhưng nội dung thì phảng phất nét buồn.
“Qua bến nước xưa lá hoa về chiều
Lạnh lùng mềm đưa trong nắng lưa thưa
Khi đến  cuối thôn chân bước không hồn
Nhớ sao là nhớ đến người ngày thơ.
Anh nhớ trước đây dáng em gầy gầy
Dịu dàng nhìn anh đôi mắt long lanh
Anh nhớ bước em khi nắng vương thềm
Má em mầu ngà tóc thề nhẹ vương…”
Ai đó đã nói: “Nhìn sở thích âm nhạc của một người ta sẽ biết được tâm hồn của họ”. Thật thế, qua đó tôi được biết thêm về thầy Hiệu Trưởng trường tôi có một tâm hồn nhẹ nhàng, dạt dào văn thơ đầy chất trữ tình lãng mạn, thầy còn là một người yêu quê hương đất nước tha thiết.

CÂU CHUYỆN LỬA TÀN


Của ông Hiệu Trưởng trường Sư Phạm Quy Nhơn nói với các giáo sinh khóa 11 trong ĐÊM MÃN KHÓA hạ tuần tháng 6 năm 1974.

Anh chị em giáo sinh khóa 11 thân mến.

Đêm đã  khuya, lửa cũng gần tắt, trước khi chia tay, tôi muốn nói với anh chị em đôi lời trong câu chuyện lửa tàn đêm nay.
Nhìn khu trường với những hàng thông trầm lặng, từng chứng kiến bao bước chân anh chị em đi về. Những công viên hoa sứ nở muộn, những dãy hành lang heo hút gió đông hay phơi phới gió hè, dẫn vào những căn phòng nội trú, rộn ràng bao buồn vui đèn sách và tình bạn ý quê. Nghe mỗi khi đêm xuống từ lòng đại dương sóng xa vọng lại nhiều thương nhớ bâng khuâng, ưu tư vời vợi. Những hình ảnh và âm thanh đó như thì thầm nhắc lại bao kỷ niệm vui buồn Anh Chị Em đã có nơi đây, gợi lại bao sinh hoạt đã cùng nhau tham dự: nào những tối cuối tuần ngồi bên chén trà “hội hữu” hay “bạn đường” nghe thơ nhạc hay nghe nhau kể lễ chuyện đời. Nào những ngày đi công tác xã hội hay thực tập giáo dục cộng đồng bận rộn với dân quê, những buổi du ngoạn tươi mát ý đời, những đêm văn nghệ rộn ràng niềm vui, cũng như nghững sáng chiều thường xuyên thảo luận, học tập về chuyên môn…tất cả đều nói lên những tâm tình Anh Chị Em đã có với nhau, với ngôi trường này.
Sau đêm nay, Anh Chị Em sẽ rời ghế nhà trường chia tay về hè để sau đó vào đờichứ không còn trở lại trường cũ như mùa thu năm trước. Chúng tôi cầu cúc Anh Chị em gặp nhiều niềm vui trong đời, những niềm vui sâu xa từ trong lòng mà có hơn là từ bên ngoài mà nên.
Tục ngữ ta có câu: “Câu chuyện nên quen, chuyến đò nên nghĩa”. Anh Chị Em đã cùng nhau đi chung một chuyến đò dài. Nay tuy chưa đến bến cùng của sông nước nhưng mỗi người phải chia tay sang những con thuyền khác để lại tiếp tục hành trình dẫn tới quê hương xa.
Giây phút phân ly nào chẳng đượm buồn và đó cũng là thân phận con người trên cõi thế. Nhưng như trăng khuyết rồi tròn, ly hợp cũng là lẽ thường của cuộc sống, miễn sao trong cách xa mà vẫn không xa cách, và miễn sao mỗi đổi thay đều mang mãi một chiều hướng. Anh Chị Em hãy chấp nhận nỗi buồncách xa trong tim, vẫn còn những niềm vui gặp gỡ đây đó trên bước đường nghề nghiệp, ở một nẻo nào trên dải đất quê hương này.
Đời Anh Chị Em còn dài, dài đủ để không uổng công thắp sáng niềm tin trong đêm tối thiếu những ánh trăng sao soi dẫn bước chân Anh Chị Em đi.
Tuổi Anh chị em còn trẻ, quá trẻ để có đủ thời gian tự làm lấy cho mình những gì mình mơ ước. Với tuổi đôi mươi, chẳng có gì là muộn. Tất cả đang chờ đón Anh Chị Em: Tình yêu để yêu, tình bạn để thương, tình quê hương để nhớ, những nguyện vọng để thực hiện, nghề nghiệp để phụng sự…nghĩa là cả một cuộc đời để sống, để xây lên hoặc nếu cần để dựng lại.
Mỗi thế hệ có những vui buồn, những ưu tư riêng và mặc dầu thế hệ này có liên quan với thế hệ khác, nhưng không nên cho rằng thế hệ này không làm được gì hơn thế hệ khác. Than trách hay quy lỗi không phải là triết lý đẹp của một hướng sống cao. Mỗi người trẻ hãy tự nói với mình “dậy mà đi” dù quê hương có đang đổ nát mênh mang vì bom đạn vẫn chưa thôi trên mảnh đất nhỏ bé này, dù xã hội có đang phân hóa tàn tạ vì cảnh tương tàn thê lương đã kéo dài hơn hai mươi năm qua.
Anh Chị em hãy “dậy mà đi”, đi từ “đêm bây giờ” để đến “đêm mai”, như Trịnh Công Sơn thuộc khóa đàn anh của Anh Chị Em đã hát lên rất chân tình:
“Đêm bây giờ đêm quá hư vô
Ôi con người mang trái tim khô
Đêm bây giờ thắp sáng âu lo
Hai mươi năm buồn vui hững hờ
Đêm thôi dài cho mai này
Người Việt hái lúa ngoài đồng chín
Đêm no lành đêm thanh bình
Người Việt sống như chưa bao giờ”. 
Nói như vậy “đêm bây giờ” dù “quá hư vô” chỉ “mang trái tim khô” với những “âu lo” và “buồn vui hững hờ” cũng chẳng có thể làm cho Anh Chị Em buồn thảm, vì rằng đêm mai này mới là của Anh Chị Em để hướng tới, để xây lên, để dựng lại, để “sống như chưa bao giờ”.
Tôi nhắc lại ý vừa diễn tả: Anh Chị Em hãy dậy mà đi, lạc quan vào đời và tích cực góp phần mình vào việc xây dựng đời.
Trước khi chia tay tôi cũng muốn nói lại với Anh Chị Em một ước mong chan chứa ưu tư này của trường. Chúng tôi ước mong rằng dù hoàn cảnh đời mỗi người chúng ta như thế nào, khi đã dấn thân vào một nghề là chúng ta phải chọn lấy cho mình một hướng đi đầy ý thức. làm thân con người chẳng ai có tự do vô điều kiện, ngoài hoàn cảnh giới hạn. Cho nên giá trị của con người tự do là chấp nhận cái mình chọn hoặc chấp nhận cái mình phải chọn và như vậy giá trị ở thái độ chọn hơn là ở điều chọn hay phải chọn.
Tôi tin rằng sau hai năm học ở trường này, Anh Chị Em đã thấy rõ hướng đi phải có của cuộc đời. Mai đây trên bước đường phụng sự, cầu chúc Anh Chị Em ngày càng vui, yêu nghề và làm được những gì Anh Chị Em muốn làm trong khả năng của mình.
Tôi tin rằng trong một tương lai không xa, đất nước chúng ta phải được thanh bình. Khi đó, và ngay cả khi này, cánh đồng văn hóa giáo dục cần nhiều nông phu, những người đổ mồ hôi để cày, bừa, gieo, cấy, đợi mùa gặt đến đem vui tươi, no ấm cho các xóm làng thân yêu.
Đêm đã khuya, lửa cũng gần tắt, tôi đã nói gì với Anh Chị Em trong câu chuyện lửa tàn đêm nay?

Một lần nữa, nhìn lại khu trường với những hàng thông trầm lặng, từng chứng kiến bao bước chân Anh Chị Em đi về, những công viên hoa sứ nở muộn, những dãy hành lang heo hút gió đông hay phơi phới gió hè dẫn vào những căn phòng nội trú rộn ràng bao buồn vui đèn sách và tình bạn ý quê, nghe mỗi khi đêm xuống từ lòng đại dương sóng xa vọng lại nhiều thương nhớ bâng khuâng, ưu tư vời vợi.
  Những hình ảnh và âm thanh đó như vẫn thì thầm nhắc lại bao kỷ niệm vui buồn Anh Chị Em đã có với nhau ở ngôi trường này. 
Mai đây trên vạn nẻo đường đời có khi nào tưởng lại quãng thời gian cuối cùng của những ngày đèn sách, có lẽ những hình ảnh và âm thanh trên sẽ còn đậm ít nhiều nét sống vấn vương bên lòng Anh Chị Em chứ không đến nỗi tàn phai như những vang bóng một thời bị chìm quên vào dĩ vãng.

Thứ Năm, 13 tháng 3, 2014

KHÓA 7 SƯ PHẠM QUY NHƠN cùng những Điệu hát Câu hò

)

“ TRÁCH NGƯỜI ĐI “

 
                                                                  Ky Nguyen
 Đi lại “ đường xưa” nhớ bạn cũ.
“ Mơ khúc tương phùng” khó lắm thay.
“ Lối về xóm nhỏ” còn in dấu.
“ Kỷ niệm” buồn vui -  nhớ, nhớ hoài.
Cho dẫu đã “ nghìn trùng xa cách”
“ Nỗi lòng”  thương nhớ khó nguôi  ngoai
“ Dư âm” một thuở - hoài đeo đẳng
“ Màu nắng sân trường” mãi vấn vương…
“ Vó câu muôn dặm” – người rong ruổi.
“ Về mái nhà xưa” – biết khi nao?
“ Hẹn hò” một kiếp – thôi đành lỡ.
“ Trên ngọn tình sầu” – tiếc xót xa.
“ Bài thánh ca buồn” lại réo rắt.
“ Đêm đông” phố núi – sầu hoen mi.
“ Người đi, ừ nhỉ, người đi thật”
“ Đợi “ chờ chi nữa – uổng xuân xanh.



Thứ Hai, 10 tháng 3, 2014

CHO… ĐI LẠI TỪ ĐẦU

                       
                                                         Nguyễn Thị Hoa.

Chúng tôi “tuổi 60” bàn nhau viết một kỷ niệm gì đó để nhớ về một thời là giáo sinh trường Sư Phạm Qui Nhơn.
Lạ thật, tôi đã trải qua một thời học mẫu giáo, 5 năm tiểu học, 7 năm trung học, 2 năm sư phạm, rồi mấy chục năm đi dạy, làm vợ, làm mẹ, bôn ba với cuộc đời. Biết bao nhiêu buồn vui, thăng trầm đã trải qua trong cuộc sống nhưng in đậm trong tâm trí, khắc sâu trong ký ức vẫn là hai năm học ở trường Sư Phạm Qui Nhơn.
Hè năm 70, tôi vừa đậu xong tú tài, ước mơ làm cô giáo đã hình thành trong tôi từ rất lâu, từ những trò chơi con nít, chúng tôi đã lấy khăn đeo trước cổ giả làm  hai vạt áo dài để dạy học… nhưng cô giáo vẫn là một điều gì đó rất cao, rất xa. Nhớ ngày xưa khi còn cắp sách đến trường, những ngày nghỉ Tết đến thăm cô, đứng ngoài hàng rào dâm bụt thấy bóng cô thấp thoáng mà không dám thưa, dám gọi. 
Thế rồi, tôi nộp đơn thi vào trường Sư Phạm Qui Nhơn. Tôi nhớ không hẹn mà chúng tôi là Thơ, Hoa Pháp, Đồng, T. Hoa đều cùng thi vào Sư Phạm và hội ngộ ở đây. Lần đầu tiên đến Qui Nhơn, tôi nhớ như in, sân nội trú vắng hoe vì là đầu năm học. Cảm giác bỡ ngỡ khi bước chân vào trường và càng ngỡ ngàng khi đến khu nội trú, bốn dãy nhà ba tầng, ôm lấy sân cỏ ở giữa. Nhìn vào phòng, những chiếc giường đôi vừa lạ lẫm, vừa hứa hẹn. Chúng tôi vào sớm nên nội trú chỉ mới lác đác một ít nữ giáo sinh. Năm đầu tiên, tôi ở tầng trệt, phòng 113. Làm sao tôi quên được những ngày tháng thần tiên nội trú. Những sáng chủ nhật vang vang tiếng cửa mở, tiếng nước chảy trong phòng tắm (bạn nào cũng tranh thủ tắm trước để đi chơi). Tiếng chân rộn ràng ngoài hành lang, tiếng gõ cửa, tiếng gọi nhau, tiếng í ới của các bạn trực, báo có người đến thăm…Những đêm nội trú nằm nghe tiếng gió rít qua hàng dương, qua khung cửa…xen lẫn tiếng sóng biển vỗ ầm ầm vào bãi cát xa xa vọng lại làm dâng lên nỗi nhớ nhà da diết.
Rồi những giờ học với những môn học lạ hoắc: Tâm lý giáo dục, Giao tế xã hội, Giáo dục cộng đồng…Tôi nhớ thầy Phan Thâm dạy Họa với những bức tranh lập thể mà mặc dù tôi không có năng khiếu vẫn bị lôi cuốn, vẫn say mê. Rồi thầy Trần Văn Khương dạy Thể Dục với bài “Ngựa phi dường xa” chúng tôi vừa phi vừa hát, vui ơi là vui... Giờ Tâm Lý giáo dục của thầy Trần Văn Mẫn (Hiệu trưởng), tôi nhớ hoài có lần thầy giảng về “Tự do cuối cùng” Thầy đem chuyện Tào tháo ra minh họa…và cho đến bây giờ, trong nhiều tình huống ở trong cuộc sống thường ngày, có những việc, tôi không quyết định được mà phải chờ đến “tự do cuối cùng”.
Sang đến năm nhị niên tôi ở phòng 211 lầu 2. Tôi và một cô bạn, chúng tôi chọn giường ở tầng trên. Đêm đến, khi nội trú đã tắt điện, chúng tôi thắp đèn dầu, đem gói Basto xanh ra vửa phì phà vừa tập làm thơ…vì không quen nên bị ho sặc sụa chảy cả nước mắt nước mũi…
Những buổi chiều ra bãi biển nằm nghe sóng vỗ và chuyện tình đẹp nhất đời tôi cũng xảy ra trong thời gian đó. Tôi nhớ mấy câu thơ của Nguyễn Đức Sơn:
“Mênh mông buồn xuống mênh mông
Tiễn anh(em) buồn lại dâng lên cuối đường
Anh đi em cũng ngập ngừng
Tình xưa…sầu nhẹ…núi rừng bay theo”

…mà chàng hải quân của tôi đã mang đi… không một lần gặp lại.
Tôi nhớ những chiều ngồi ở quán cà phê Gió Khơi, trước mặt mỗi chúng tôi là một ly coca, im lặng mà như nói rất nhiều và quên sao được đêm chia tay. Khi đi ngang qua quán cà phê, lần đầu tiên nghe “Chiếc lá cuối cùng” 

LinkWithin

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...