Thứ Sáu, 22 tháng 6, 2012

Thư Mời

Kính thưa quí Thầy Cô cùng toàn thể anh chị cựu Giáo Sinh SPQN.


Nhân kỷ niệm 50 năm ngày thành lập trường SPQN, Ban Liên Lạc CGS và Ban Tổ Chức 2012 trân trọng kính mời quí Thầy Cô cùng các anh chị đồng môn về tham dự ngày họp mặt kỷ niệm, được tổ chức từ 9 giờ đến 15 giờ ngày 1 tháng 7 năm 2012.
Tại địa điểm: Nhà hàng Trầu Cau, số 298 Nguyễn Văn Đậu, Phường 11, Quận Bình Thạnh.
Kính mong quí Thầy Cô cùng các Anh Chị thu xếp thời gian để cùng tham dự.


Trân trọng kính mời.
BTC 2012

Bản đồ vị trí nhà hàng Trầu Cau. (nơi đánh dấu bằng chữ A)


Thứ Năm, 21 tháng 6, 2012

Sư Phạm Qui Nhơn Hành Khúc - Hoàng Song Nhy.

Nhân Đại hội kỷ niệm 50 năm ngày thành lập trường SPQN ngày 1/7 sắp tới, Xin mời các bạn cùng hát:

XE ĐẠP ƠI!


                Irene.

          Khi tôi bước ra khỏi Tứ Bửu Quán, lúc đó khoảng mười giờ. Đêm Quy Nhơn tháng năm trở nên dịu mát. Những cơn gió nhè nhẹ từ biển thổi vào mang theo cái vị mằn mặn và cái man mác của đại dương.
          Tôi đang loay hoay định gọi taxi hay phone để mấy đứa cháu đến chở. Thì Tín nói:
          -Để tôi chở về!
          Nghe tin tôi từ Sài Gòn mới về nên các bạn gọi và hẹn tôi đến để gặp. Cuộc gặp mặt thật đầm ấm gồm các bạn Sĩ Tạo, Bồng ở Quy Nhơn, Thông ở Sài Gòn mới ra, Bùi Văn Tạo, Hiền Tuấn từ Quảng Ngãi mới vào. Tín đang đi đánh tennis cũng vội vàng đến. Tôi rời Quy Nhơn cũng chỉ mới vài năm đây thôi nhưng lúc trước sống trong cùng một thành phố, thường xuyên thấy nhau nhưng dạo đó, ai cũng bận rộn với công việc nên chưa bao giờ bạn bè có một khoảng riêng nào dành cho nhau cả. Bây giờ khi tuổi đã lớn, cái tuồi về hưu, công việc bình ổn, con cái tương đối ổn định… Lúc này lại nghĩ đến thời trẻ! Nghĩ về bạn bè!
 Gặp nhau chuyện trò tâm tình vui vẻ, thân thiết. Suốt mấy giờ liền chúng tôi chỉ xoay quanh những hoài niệm của tháng ngày học sư phạm, cuộc sống khó khăn sau 1975 rồi đến cuộc sống hiện tại… bộc bạch và chân thành. Chúng tôi như tìm lại được chính mình và những niềm vui của thời còn đi học.
          Do là về cùng đường và cũng muốn tâm sự với bạn thêm một chút nữa nên tôi không ngại ngần leo lên chiếc xe đạp và cũng vì thế, hôm đó tôi mới hát bài hát “ Xe đạp ơi!” với những cảm xúc trong tình thân bè bạn.
          …Quay đều! quay đều! quay đều! nhớ hoài những vòng xe
          …Quay đều! quay đều! quay đều! thương hoài những vòng xe…(Xe đạp ơi-Ngọc Lễ)   
 Khi ngồi lên xe rồi mới biết là bagare không có nệm lót, không có chỗ gác chân mà chân tôi thì hơi dài, thôi chịu khó co chân lên! Xe không có chỗ tay vịn, thôi thì lấy hai tay vịn hai bên eo của bạn. Thoáng một chút “ngại ngần” nhưng rồi nghĩ với tuổi này, phải có chỗ tựa lỡ… thì biết làm sao đây?!
Chiếc xe sau phút “chao đảo” lúc đầu. Sau đó, bình yên quay đều chầm chậm trên đường, lướt qua từng hàng cây, ngôi nhà trên phố… Tôi nhớ câu thơ của ai đó rất dễ thương:
Anh chở em đi bằng xe đạp
Thấy phố hôm nay đẹp lạ thường!
          Tôi ngước nhìn lên trên cao, bầu trời có muôn ngàn vì sao nhấp nháy như chứng minh cho tình bạn của chúng tôi. Gió thổi nhè nhẹ đưa hương ngọc lan của nhà ai thoang thoảng dễ chịu. Chiếc xe vẫn quay đều trên con đường Trần Quang Diệu. Con đường này không phải đường phố chính nên hơi tối. Ánh đèn đường vàng leo lét làm cho con đường như dài và sâu hun hút .Tôi bỗng nhớ lại chuyện chiếc xe đạp cách đây mấy chục năm:

          Tôi và Tín học cùng lớp nhất niên 6 khóa 11 Sư Phạm Quy Nhơn. Tôi biết bạn ấy bắt đầu từ cuộc thi văn nghệ. Tôi tập vũ khúc Tiếng Xưa cho lớp, Tín trong đội múa. Một bữa nọ, do mãi mê tập văn nghệ nên ra về thì trời đã chiều tối. Đứng trước cổng trường chờ xe Lam một lúc lâu. Hoàng hôn xuống. Mặt Trăng đã nhô lên trên đỉnh Phương Mai xa xa mà chẳng thấy bóng dáng chiếc xe nào. Không thể chờ thêm được nữa nên tôi quyết định đi bộ. Tôi đi chầm chậm bên lề đường dưới những hàng dương liễu. Tà áo dài trắng bay bay trong chiều. Bỗng Tín rà rà chiếc xe đạp đến bên cạnh, cũng câu nói cộc lốc như hôm nay:
-Để tôi chở về!
Vì mặc áo dài nên tôi phải ngồi một bên. Chiếc xe lại cũ, cứ mỗi vòng xe thì lại phát ra nhiều những âm thanh “vui nhộn” suốt con đường về. Lúc đó tuổi trẻ nên Tín “cầm tay lái” vững vàng đưa tôi về nhà an toàn. Khi xưa chưa có bài Xe đạp ơi! Cho nên, hôm nay nhớ lại, tôi mới hát:
          Nhớ khi xưa anh chở em trên chiếc xe đạp cũ, dưới trăng khuya… áo ướt đẫm mồ hôi…

          Vòng xe vẫn quay đều trên đường phố và giọng Tín đều đều mang nỗi niềm : “ Lúc còn  đi học Sư Phạm, nhà  mình rất nghèo. Đến nỗi không có tiền để đi xe Lam. Mượn ông chú chiếc xe đạp để đi học. Một hôm, không biết ai lẻn vào nhà lấy trộm đi chiếc xe “cà tàng”. Đã nghèo lại gặp cái eo. Thế là từ đó, suốt cả năm học nhị niên mình phải cuốc bộ đến trường”.
          Tín vẫn hì hục đạp xe. Bây giờ tuổi đã cao cho nên không biết bạn ấy có đưa tôi về bình yên không? Tôi nghe hình như có tiếng thở gấp:
          -Bạn có mệt không? Tôi hỏi.
          -Ồ! Không sao đâu! Mình đạp xe là để tập thể dục mà.
          Hết con đường Trần Quang Diệu, xe vòng qua đường Trần Phú. “Con đường này tôi đã quen đi lại nhiều lần nhưng hôm nay bỗng dưng thấy lạ? Cảnh vật chung quanh tôi như có sự thay đổi lớn. Vì hôm nay, cả hai đã ở tuổi sáu mươi mà vẫn còn chở nhau bằng xe đạp.” (Ý của Thanh Tịnh)
          Đường Trần Phú có nhiều cửa hiệu nên ánh điện từ các shop sáng rực cả con đường. Mùi hoa sữa nồng nàn bay suốt cả dãy phố dài, quyện cả vào áo quần, sộc cả vào mũi chúng tôi. Trên đường, Xe ô tô, xe máy vẫn còn qua lại đông đúc. Nhưng khi thấy có sự xuất hiện chiếc xe đạp của” người cao tuổi” nên xe cộ vội tấp vào lề như để nhường đường. Vì thế, vòng xe vẫn quay đều đặn trên đường đêm và Tín lại bộc bạch:
          -R… biết không? Sau 75 mình tưởng đâu cuộc sống mình khá hơn vì mình thuộc gia đình liệt sĩ. Ai có ngờ đâu mình cũng gặp không ít thăng trầm! Dạy mấy năm ở thành phố rồi bị đổi qua đảo dạy. Những năm bao cấp ở đảo thật là khổ sở thiếu thốn đủ thứ. Cuối cùng trụ không nỗi với nghề, mình bỏ dạy. Mình lập gia đình rồi theo con đường mua bán…
          Tín nhắc lại làm tôi nhớ lại khoảng thời gian đó. Tôi rưng rưng:
          -T… ơi! Mình còn nhớ mỗi lần đi dạy gặp Tín là không lúc nào mình không ngùi ngùi thương cảm. Lúc đó cả hai chúng mình đều đã lập gia đình. Mình nhớ thời bao cấp cuộc sống mọi người đều rất khổ. Dạo đó Tín đã nghỉ dạy. Hàng ngày, trên con đường Tăng Bạt Hổ mình thường đi bộ đến trường, mình gặp Tín ngồi bên lề đường bán áo quần. Ngày nắng thì không nói gì. Những ngày mưa nhất là vào những lúc mưa phùn gió bấc, thêm cái rét buốt ở miền Trung. Thấy bạn mà mình ngậm ngùi. Đi qua không dám ngoảnh đầu nhìn lại…
          -Ừ! Hồi đó đời sống khó khăn ghê R nhỉ?
          Đến ngả tư Tín dừng xe lại! Tôi thầm cám ơn “đèn đỏ”giúp  bạn của tôi nghỉ mệt được một lát rồi chở “ nửa tạ” tiếp tục cuộc “hành trình”.
 Vòng xuống con đường Tăng Bạt Hổ ngang qua Sân Vận Động. Con đường này đa số là những hiệu giày, đèn điện sáng trưng. Bỗng bên đường một phụ huynh cũ nhận ra tôi (hình như quen cả Tín nữa). Cô ấy reo lên:
          -Cô về hồi nào?
          -Mới về sáng nay! Tôi nói vói lại rồi lẩm bẩm với bạn:
- Thành phố nhỏ xíu, đi đâu cũng gặp người quen.
-Ừ, nhỏ xíu xìu à!
          Vòng xe vẫn quay đều, tiếng bánh xe lạo xạo trên đường khuya.
-Tín có nhớ dạo Tín dạy đảo Cù Lao Xanh không? Tuần nào Tín cũng về đất liền. Và Tín thường đến trường mình, chờ tan học.  Rồi hai đứa đi bộ thong thả bên nhau trên con đường về nhà .
-Ừ, mình nhớ!  
Dạo đó, Tín có điều gì đó muốn nói với tôi nhưng e ngại nên để nằm yên luôn trong lòng mà có lẽ như thế lại hay! Bây giờ mới có dịp chở nhau trên xe đạp…
Nghĩ đến đó tôi bật cười. Tín ngạc nhiên:
-Cười gì vậy?
-Ồ không có gì! Tín cho mình xuống đây!
Chúng tôi chia tay ở ngả tư Lê Lợi-Tăng Bạt Hổ và hẹn gặp nhau vào chiều mai trong cuộc về thăm trường xưa.
 Đêm đó, tôi trằn trọc không ngủ được. Đến gần sáng mới chập chờn. Trong mơ, tôi thấy những vòng xe vẫn cứ quay đều, quay đều lăn cả vào trong giấc ngủ .
           
Cuộc sống luôn có nhiều thay đổi. Tín người bạn nhị 6 của tôi, sau khi bỏ dạy, chọn con đường kinh doanh và đã rất thành công. Bây giờ anh đã có những ngôi biệt thự sang trọng ở bên Mỹ. Chuyện lái xe hơi chở bạn đi là chuyện thường vì anh có thể mua cả máy bay nữa kìa!?
Nói vui thế thôi! Chứ với tôi, Tín lúc nào cũng giản dị như thời còn hàn vi cái thời đi học trong túi rỗng tuếch và tôi thích như vậy! Vẫn thích bạn ấy chở tôi trên chiếc xe đạp “trành trành” để tôi có những giây phút bên bạn bè đúng nghĩa. Tín vẫn mãi là người bạn rất chân thật, ít nói. Trải qua mấy chục năm mà bạn ấy vẫn thế! vẫn giữ được cái bản chất cố hữu của mình là với bạn rất chân chất, không xa cách, hòa đồng, đơn giản không phô trương.
 Riêng đối với bạn bè từng học dưới mái trường Sư Phạm Quy Nhơn khi gặp nhau thì giữa chúng tôi lại càng không có ranh giới của sự giàu nghèo, chức tước hay địa vị… Nhờ thế, tình bạn của chúng tôi trong veo như pha lê, dịu dàng như dải lụa, mềm mại như áng mây chiều…
Bây giờ thì cuộc sống của chúng tôi không biết còn lại được bao nhiêu “vòng xe” nhưng tôi mong rằng: Chung quanh tôi lúc nào cũng có nhiều người bạn chân thành luôn nghĩ về nhau với những tình cảm rất thật, rất tha thiết.
Sài Gòn chiều nay mưa. Ngoài trời lành lạnh còn trong lòng tôi thì ấm áp khi nghĩ đến những người bạn. Ngồi bên cửa sổ ngắm mưa! Những giọt mưa rơi đều đều tí ta tí tách trên lá và tôi hát một mình:
          Xe đạp ơi! Đã xa rồi còn đâu….

Sài Gòn, 15/06/2012
          Irene.

BBT: Nhân có bài "Xe đạp ơi" của bạn Irene, BBT xin tặng thêm bạn Tín và bạn Irene 2 hình ... nữa!!! với chủ đề: "Ngày ấy... Bây giờ..."

Ngày ấy...

Bây giờ...

Chùm Thơ của Trần Hiền Tuấn - K11

Lắng sâu
Hôm nay trời trở gió…
Cái lạnh se se người
Thấm vào hồn tê tái
Nhớ lại chuyện năm xưa.
Chuyện một buổi chiều mưa
Muời tám năm về trước
Bên bãi biển Quy Nhơn
Từng giọt mưa thấm ướt.
Một buổi chiều kỷ niệm
Ta bên nhau êm đềm
Vọng lên lời từ biệt
Của sóng biển ru êm.
…Người xưa nay còn nhớ
Những buổi chiều hẹn hò
Những Chủ nhật rong chơi
Ta cùng nhìn biển khơi
Bên bờ eo Nín Thở
Chân mộ Hàn Mặc Tử
Hay ghế đá sân trường
Tất cả còn vấn vương.
…Mười tám năm qua rồi
Có còn mơ, còn nhớ
Cũng chỉ để mơ thôi
Còn lại gì trong tôi
Hai tiếng “Cộng Quỳnh ơi!!!”
                 


Qua rồi
                   Qua rồi cái tuổi ngây thơ,
          Qua rồi cái tuổi mộng mơ thuở nào.
                   Qua rồi tuổi ngắm trăng sao,
          Qua rồi cái tuổi uước ao đủ điều.
                   Qua rồi tuổi ngắm mây chiều,
          Vầng trăng lơ lững, cánh diều hoàng hôn.
                   Qua rồi lữ khách cô thôn,
          Bước từng bước một ru hồn về đâu.
                   Qua rồi tuổi ngắm mưa ngâu,
          Chờ xem Ngưu-Chức gặp nhau Ngân Hà. . .
                   Bây giờ còn lại mình ta,
          Nhớ nhung cảnh cũ cho qua tháng ngày.
                   Rượu không uống, thế mà say,
          Say cho quên hết những ngày đã qua.

                                      Trần Quốc D õng
                             (Trần Hiền Tuấn – Nhị 6-K 11)

LinkWithin

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...